Thời Hải Lăng vương Tát Ly Hát

Hải Lăng vương đưa Bồ Châu lên làm Hà Trung phủ, lấy Tát Li Hát làm Hà Trung doãn, Tả phó nguyên soái như cũ. Tát Li Hát từ Thiểm Tây vào triều, thật thà mà rằng: "Kiến Thành nhà Đường bất đạo, Thái Tông vì nghĩa trừ đi, sau đó lên ngôi, ra sức cho nước, đời sau khen hiền. Bệ hạ vì chủ trước thất đức, nghĩa lớn dứt bỏ, ra sức cho nước, thời như Đường Thái Tông vậy." Hải Lăng nghe lời ấy, mặt biến sắc, Tát Li Hát cũng hối hận đã nói vậy. Sau đó được tiến phong Quốc vương, quan lại dưới quyền đều được ban thưởng. Hải Lăng vương thấy Tát Li Hát nắm binh quyền đã lâu, rất được lòng người, đâm ra nghi kỵ, bèn dùng làm Hành đài tả thừa tướng kiêm Tả phó nguyên soái; lại sợ Tát Li Hát không phụng mệnh, bày nghi lễ long trọng để xác nhận ông là thành viên tông thất, đem đai ngọc tỷ thư ban cho. Tát Li Hát đến Biện Kinh – thủ phủ của Hà Nam – nhưng trên danh nghĩa lại coi việc của Thiểm Tây, thành ra mất hết binh quyền, hơn nữa còn nằm dưới sự quản thúc của Hành đài hữu thừa tướng kiêm hữu phó nguyên soái Thát Bát Dã – có con gái là phi tử của Hải Lăng vương.

Hải Lăng vương muốn trừ bỏ những dòng dõi tông thất, đại thần mà ông ta nghi kỵ, sai Nguyên soái phủ lệnh sứ Diêu Thiết bày kế hãm hại Tát Li Hát. Diêu Thiết làm giả chữ Khiết Đan và con dấu của Tát Li Hát, nói dối với Tả đô giám Bôn Đổ mình nhặt được thư nhà mà ông gởi cho con trai Tông An, nhưng Tông An làm rơi ngoài cửa cung, nhường cho Bôn Đổ tố cáo với Hoàng đế. Bức thư đã được mở niêm phong, chữ viết nhập nhòe đi vì bị thấm nước, nội dung là âm mưu làm loạn với Bình chương chánh sự Tông Nghĩa (con trưởng của Tà Dã) và thừa tướng Mưu Lý (con thứ của Mạn Đô Ha); thư không có tên người gửi và người nhận, cũng không rõ ai là người đưa thư. Tông An bị tra khảo, cắn răng không nhận, bất khuất mà chết. Hải Lăng vương sai Tư Lỗ Hồn giết Tát Li Hát ở Biện, làm tội cả nhà ông.

Thế Tông lên ngôi, khôi phục quan tước cho Tát Li Hát. Năm Đại Định thứ 3 (1163), được truy phong Kim Nguyên quận vương, thụy là Trang Tương; sửa sang mộ phần cho tương xứng với phẩm trật quận vương. Năm thứ 17 (1177), được thờ trong miếu của Thái Tông.